Kết thúc phiên giao dịch ngày 22/11, dầu tăng 1% khi OPEC+ có thể điều chỉnh kế hoạch nâng sản lượng dầu, đồng, thép, cao su đồng loạt tăng trong khi vàng giảm bởi USD mạnh lên.
Dầu tăng 1%
Giá dầu tăng trong phiên đầu tuần do các báo cáo rằng OPEC+ có thể điều chỉnh kế hoạch nâng sản lượng dầu nếu các quốc gia tiêu thụ nhiều giải phóng kho dự trữ dầu thô của họ hay nếu đại dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu. Chốt phiên 22/11, dầu thô Brent tăng 81 US cent hay 1% lên 79,70 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 81 US cent hay 1% lên 76,75 USD/thùng. Giá cả hai loại dầu Brent và WTI giảm hơn 1 USD trong đầu phiên giao dịch xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/10.
Các quan chức Nhật Bản và Ấn Độ cùng với Mỹ và các nền kinh tế lớn khác đang tìm cách giải phóng kho dự trữ dầu thô quốc gia để hạ nhiệt giá dầu. Theo một nguồn tin thân cận với cuộc thảo luận này, thông báo như vậy có thể đưa ra sớm nhất trong ngày 23/11, nhưng các quan chức Nhà Trắng và Bộ Năng lượng Mỹ cho biết chưa có quyết định chính thức nào về việc giải phóng kho dự trữ.
Cuộc thảo luận này diễn ra sau khi chính phủ Mỹ không thể thuyết phục OPEC+ bơm thêm dầu khi các nhà sản xuất lớn cho rằng thế giới không thiếu dầu thô. Trong tháng này OPEC+ đã đồng ý tiếp tục kế hoạch nâng sản lượng 400.000 thùng/ngày từ tháng 12.
Giá dầu tăng sau khi Bloomberg báo cáo rằng OPEC+ có thể thay đổi kế hoạch tiếp tục tăng sản lượng. Chủ tịch công ty tư vấn Facts Global Energy cho biết việc giải phóng kho dự trữ chiến lược bất kỳ sẽ chỉ ảnh hưởng tới giá dầu trong 2 tới 3 tuần. Lo lắng về nhu cầu đã xa dần bởi khả năng phong tỏa quốc gia ở Châu Âu, khi khu vực này một lần nữa trở thành tâm điểm của đại dịch Covid-19, điều đó có thể gây áp lực lên giá cả.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng giảm hơn 2% do USD mạnh lên sau khi chủ tịch Cục dự trữ liên bang Jerome Powell được đề cử cho nhiệm kỳ thứ 2, thúc đẩy dự kiến rằng ngân hàng trung ương này có thể theo hướng giảm hỗ trợ kinh tế.
Vàng giao ngay giảm 2% xuống 1.807,60 USD/ounce, sau khi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 5/11 tại 1.804,30 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 2,3% xuống 1.809,3 USD/ounce.
USD mạnh hơn khiến vàng đắt đỏ cho người mua dùng những đồng tiền khác, trong khi lãi suất tăng cũng khiến chi phí giữ vàng cao hơn. Các nhà hoạch định chính sách của FED đang bàn luận về việc liệu có rút hỗ trợ kinh tế nhanh hơn để đối phó với lạm phát hay không, sau khi một trong những quan chức có ảnh hưởng nhất cho rằng ý tưởng này sẽ được bàn tại cuộc họp vào tháng 12.
Đồng tăng giá
Giá đồng bị áp lực từ những lo ngại mới về nhu cầu ở Trung Quốc, dự kiến thị trường cân bằng hơn trong những tháng tới và USD mạnh lên. Tuy nhiên giá đồng tăng sau khi New York mở cửa do số liệu bán nhà của Mỹ bất ngờ mạnh mẽ.
Chốt phiên giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 0,6% lên 9.705 USD/tấn. Giá kim loại này giao dịch trong biên độ hẹp 400 USD trong những tuần gần đây.
Thị trường bất động sản Trung Quốc, chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội đã giảm mạnh kể từ tháng 5, với tâm lý dao động bởi khủng hoảng thanh khoản ngày càng gia tăng. Dự án Kamoa-Kakula tại Congo đã sản xuất được 41.545 tấn quặng đồng trong quý 3, từ đầu năm tới ngày 15/11 sản xuất được hơn 77.500 tấn.
USD mạnh lên khiến các kim loại định giá bằng đồng tiền này đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác, làm giảm nhu cầu. Dự trữ đồng trên sàn LME ở mức 86.525 tấn, khoảng 1/3 mức hồi cuối tháng 8.
Nguồn: CafeF