Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, lộ trình giảm tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn của các ngân hàng được lùi thêm một năm.
Cụ thể, từ ngày 01/01/2020 đến hết ngày 30/9/2021, tỷ lệ này được áp dụng 40%. Từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022 giảm còn 37%. Từ ngày 01/10/2022 đến hết ngày 30/9/2023 giảm còn 34% và từ ngày 01/10/2023 là 30%.
Trong dự thảo trước đó đưa ra lấy ý kiến, NHNN đề xuất 2 phương án lùi tỷ lệ này, phương án 1 là lùi 6 tháng và phương án 2 là lùi 1 năm so với quy định tại Thông tư 22.
NHNN vừa ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về cho vay trung và dài hạn
Theo NHNN, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động.
Trong khi đó, áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Do đó, để giảm chi phí vốn và triển khai lãi suất ưu đãi cho khách hàng, các ngân hàng cần tiếp tục duy trì tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn trong cơ cấu huy động vốn.
NHNN đề xuất lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn, nhằm tạo điều kiện cho các TCTD hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch. Đánh giá về quyết định này của Nhà điều hành, trong một báo cáo mới ra, các chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế - Ngân hàng MSB cho rằng, lộ trình mới này là hợp lý trong bối cảnh hiện nay.
"Trên thực tế, việc cơ cấu lại nợ có thể khiến dư nợ chuyển từ ngắn hạn sang trung, dài hạn, tác động đến cơ cấu nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện khá dồi dào, chứng tỏ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn không phải là vướng mắc, nhưng việc lùi lộ trình sẽ tháo gỡ một phần khó khăn cho các TCTD, nếu muốn hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn", báo cáo cho hay.
Mặc dù các TCTD vẫn đang từng bước chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu tại Thông tư 22, nhưng nhiều đơn vị vẫn cho rằng, trước khó khăn của thị trường do tác động của Covid-19, để đáp ứng lộ trình mà Thông tư 22 đưa ra là điều không dễ. Vì thế, việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn tại Thông tư này sẽ hỗ trợ nhiều cho hoạt động của toàn hệ thống.
Mặt khác, cũng có một số ý kiến trái chiều, không đồng tình với dự thảo này. Theo một số chuyên gia, việc giãn thời hạn thực hiện siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn có thể sẽ gây hiệu ứng không tốt về việc ban hành và thực thi quy định pháp luật. Theo đó, việc lùi này chỉ nên tính đến trong trường hợp thật khẩn cấp, bức thiết.
Thực tế hiện nay, không hẳn là nhiều ngân hàng đang thiếu vốn, thậm chí ngược lại. Mặt khác, nếu không siết tỷ lệ cho vay trong bối cảnh lãi suất đang giảm và các hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn khó khăn, có thể dòng vốn trung và dài hạn sẽ chảy vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán và bất động sản.
Các chuyên gia nhấn mạnh, kể cả trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 còn tiếp tục tác động đến nền kinh tế trong thời gian tới, cần tiếp tục kiểm soát và hạn chế dòng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn để bảo đảm lành mạnh hóa hoạt động tín dụng và mang lại lợi ích lâu dài.
Nguồn: CafeF